The Hymn Of Death (Thánh ca tử thần) là bộ phim tâm lý tình cảm của Hàn Quốc được dẫn dắt bởi đạo diễn tài ba Park Soo Jin và có sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng như Lee Jong Suk, Shin Hye Sun hay Park Seon Im.
Bộ phim với độ dài ba tập lấy bối cảnh thời Joseon những năm 1920 khi đất nước đang chịu sự thôn tính của Nhật Bản và quyền sống, quyền tự do hạnh phúc của con người bị bó buộcbởi chính quyền phát xít tàn bạo.
Thánh ca tử thần đã thể hiện sâu sắc sự thống khổ trong tình yêu của người trẻ cùng khát khao được là chính mình trong thời kì đau thương qua những nhân vật có thật.
Đó là giọng ca soprano nổi tiếng Yoon Sim Deok (Shin Hye Sun thủ vai) và nhà viết kịch hào hoa Kim Woo Jin (Lee Jong Suk thủ vai).
Yếu tố lịch sử trong tác phẩm The Hymn Of Death
Bộ phim xoay quanh bối cảnh thời Joseon những năm 20 của thế kỉ hai mươi với cốt truyện được lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật.
Khi Joseon rơi vào tay Nhật Bản, chúng đã thành lập chính phủ ở Joseon khiến người Joseon mất tự do hội họp, lập hội báo chí và tự do ngôn luận.
Hệ thống trường học của Nhật Bản là hệ thống nhằm đồng hóa dân tộc thuộc địa, chúng bắt buộc người dân học ngôn ngữ Nhật Bản trong khi ngôn ngữ Hàn Quốc và lịch sử Hàn Quốc không còn được phép giảng dạy.
Nổi bật trên bối cảnh thời đại, Thánh ca tử thần khai thác mối tình đau thương của nhà viết kịch Kim Woo Jin và nữ ca sĩ soprano đầu tiên của Hàn Quốc có tên Yoon Sim Deok, bà xuất thân trong một gia đình khó khăn nhưng vẫn cố gắng để theo học thanh nhạc tại Học viện Ueno danh giá ở Tokyo.
Kim Woo Jin cũng như bao trí thức đương thời, một lòng muốn đem con chữ để tuyên truyền những thông điệp quý giá về độc lập, tự do, dùng nghệ thuật để đánh thức tinh thần dân tộc.
Tuy nhiên, cha ông lại muốn con trai từ bỏ đam mê viết kịch cũng như tư tưởng yêu nước, quay về thừa kế sản nghiệp gia đình bên vợ và con gái, vì không thể cãi lời cha nên ông đành phải quay về Joseon tiếp quản việc nhà.
Sau khi trở về, Kim Woo Jin ngoài mặt vẫn ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt của cha nhưng ông vẫn lén uống rượu và viết văn vào buổi đêm.
Yoon Sim Deok gặp Kim Woo Jin lần đầu tiên vào năm 1921 tại Hiệp hội Nghệ thuật Sân khấu khi hai người đang du học ở xứ sở hoa anh đào.
Bất chấp Kim Woo Jin đã có gia đình, nữ ca sĩ soprano vẫn đem lòng yêu ông và sau những chuyến lưu diễn cùng nhau, họ đã trở thành một cặp đôi với tình yêu không được ủng hộ.
Cuộc sống của Yoon Sim Deok sau khi du học trở về không mấy thuận lợi, tuy cô đã vô cùng nổi tiếng nhưng số tiền Sim Deok nhận được lại không tương xứng với danh tiếng của cô, trong khi đó, nàng ca sĩ phải gánh vác gia đình mình gồm bố mẹ, em trai và em gái.
Sau nhiều năm chìm trong bế tắc, cả Yoon Sim Deok và Kim Woo Jin đều muốn kết thúc cuộc đời vô nghĩa trong thời loạn, không muốn đánh mất bản thân mình cùng tình yêu thuần túy nên họ quyết định “yên nghỉ” cùng nhau trong chuyến tàu từ Nhật Bản trở về Joseon.
Khi lên tàu, cả hai đã không nói tên thật mà dùng nghệ danh là Kim Su San và Yoon Su Seon, đây cũng là những cái tên biểu trưng cho con người thật bên trong cặp đôi bị cầm tù bởi hoàn cảnh.
Tác phẩm thu hút khán giả bởi nội dung sâu sắc và cảm động
Thánh ca tử thần là một bộ phim ngắn gồm ba tập kể về cuộc đời của hai nhân vật có thật trong lịch sử.
Bộ phim không chỉ ca ngợi về tình yêu mà trong đó còn gửi gắm những thông điệp quý giá về cuộc đời con người trong thời loạn lạc đồng thời lên án chiến tranh phi nghĩa đã cướp đi quyền sống, quyền tự do dân chủ của nhân dân Joseon.
The Hymn Of Death gây ấn tượng bởi kịch bản mới lạ
Ngay từ giây phút đầu tiên, bộ phim đã mang đến cho khán giả một dự cảm không lành về câu chuyện sắp diễn ra, đó là khung cảnh chuyến tày khuya với những ánh đèn vàng leo lét trong hành lang cùng tiếng nhạc đầy u ám, buồn đau của ca khúc Hymn of death.
Nhân viên trên chuyến tàu đã vô cùng hoảng hốt khi phát hiện trên boong tàu có hai đôi giày nằm lẻ loi trong đêm đen như minh chứng cho câu chuyện đã vừa kết thúc.
Sau những thước phim đầu tiên khá u ám, Thánh ca tử thần đưa người xem trở về những năm 20 của thế kỉ trước với không khí sôi động hơn tại Tokyo, Nhật Bản, đây là nơi bắt đầu của một câu chuyện tình yêu đậm màu bi thương.
Yoon Sim Deok (Shin Hye Sun thủ vai) là một cô gái Joseon du học ở Tokyo tại đây cô đã gặp nhà viết kịch tài ba Kim Woo Jin (Lee Jong Suk thủ vai), anh để lại ấn tượng ban đầu là người đàn ông khá lạnh lùng nhưng Sim Deok vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho Woo Jin.
Hai người sóng đôi cùng nhau trong những đợt lưu diễn, Sim Deok thể hiện tình yêu nước của mình qua từng câu hát, góp phần giúp tác phẩm kịch của Kim Woo Jin thành công và truyền bá mạnh mẽ tư tưởng tự do, dân chủ đến nhân dân Joseon.
Tưởng chừng như những vở kịch đều kết thúc êm đềm nhưng trong thời loạn chỉ cần một hành động, một câu nói mang ý nghĩa đòi quyền tự chủ từ tay Nhật Bản đều sẽ bị binh lính đàn áp và dập tắt một cách tàn bạo.
Kim Woo Jin đã bị bắt giữ và tra tấn sau buổi lưu diễn cuối cùng bởi một câu nói trong vở kịch mang hàm ý chống đối chính quyền phát xít.
“Mười năm trước có tự do, nhưng trên mảnh đất này không còn tự do.”
Đây cũng là tình tiết thúc đẩy cốt truyện cũng như khiến các nhân vật nhận ra được tình cảm của mình bởi sau khi Kim Woo Jin bị bắt, ngày nào Sim Deok cũng đứng ngoài cổng ngục giam vừa lo lắng vừa chờ mong ngày người thương được trả lại tự do.
Sau nhiều ngày bị tra tấn, cuối cùng Woo Jin cũng được hít thở bầu không khí bên ngoài song sắt, mặc dù khắp người toàn những vết thương đau đớn song anh vẫn ngẩng cao đầu và không có ý định dừng việc viết kịch tuyên truyền.
Yoon Sim Deok đã bật khóc ngay sau khi nhìn thấy Kim Woo Jin bước ra khỏi đồn cảnh sát, họ nhìn nhau không nói một lời mà dường như đã ngầm hiểu rằng một tình cảm chân thành, sâu sắc được hình thành từ sự cảm phục lòng yêu nước cháy bỏng.
Tưởng như đây là một câu chuyện tình yêu ngọt ngào và đầy mộng mơ cho đến khi Yoon Sim Deok phát hiện Kim Woo Jin đã có vợ và sẽ buông bút trở về tiếp quản sản nghiệp gia đình sau khi thời gian du học kết thúc.
Nàng ca sĩ đã nhận ra mối quan hệ giữa cô và Kim Woo Jin là sai trái nên đã quyết tâm chấm dứt và quên đi đoạn tình cảm còn dang dở với nhà soạn kịch tài hoa.
Nhiều năm sau, Sim Deok đã trở thành nữ ca sĩ soprano như cô luôn mơ ước trong khi đó Woo Jin phải từ bỏ hoài bão của mình để trở về thừa kế gia sản, tuy có cuộc sống sung túc đủ đầy nhưng anh cảm thấy tù túng và luôn khao khát sống thật với chính mình.
Họ tái ngộ nhau trên sân khấu cũ nơi Sim Deok và Woo Jin đã từng hứa hẹn và nhận ra tình cảm của bản thân với đối phương chưa từng vơi đi mà ngược lại càng thêm cháy bỏng.
Lần này, Sim Deok và Woo Jin đã yêu nhau bất chấp định kiến bởi họ có sự đồng điệu trong tâm hồn của những người nghệ sĩ.
Biên kịch Kim và giọng ca soprano đã coi nhau là tri kỉ, người duy nhất ủng hộ và thấu hiểu khát vọng bị kìm nén của đối phương trong sự khổ đau của số phận.
Nhà viết kịch bất lực trước chữ hiếu nên đã tuân theo sự sắp đặt của người cha quyền thế đó là lấy một người mà anh không yêu, từ bỏ mọi đam mê để trở về thừa kế gia sản đồ sộ của gia đình.
Dù bề ngoài Kim Woo Jin vẫn là người con ngoan nhưng khát vọng cống hiến chưa bao giờ bị vùi dập mà ngày càng mãnh liệt vì thế, anh vẫn thường uống rượu và viết kịch trong đêm tối và coi con chữ là động lực, là lẽ sống của mình.
Yoon Sim Deok lại sống trong hoàn cảnh trái ngược hoàn toàn với người thương, cô đã hoàn thành được ước mơ trở thành giọng nữ soprano nổi danh khắp Joseon đến Nhật Bản lúc bấy giờ.
Tuy là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng số tiền cô kiếm được chẳng đủ trang trải cho cuộc sống gia đình nên bố mẹ Sim Deok đã khuyên cô đi xem mắt với một thiếu gia trẻ tuổi, người có thể chi trả toàn bộ học phí cho các em cũng như cho cuộc sống gia đình cô.
Ngay lúc này, sóng gió lại ập đến với Sim Deok khi bị dính tin đồn có quan hệ bất chính với chủ của một đài thu âm, nữ ca sĩ đã sụp đổ hoàn toàn vì khán giả quay lưng và bị nghi ngờ bởi chính những người thân mà cô dốc lòng yêu thương và bảo vệ.
Trong ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời, Sim Deok và Woo Jin lại càng yêu, thấu hiểu nhiều hơn với nỗi đau của đối phương nên những giây phút họ ở bên nhau mới thật sự là lúc họ được sống thật với tất cả xúc cảm của mình.
Thánh ca tử thần là bộ phim xây dựng cốt truyện sát với lịch sử, nữ chính Sim Deok có tình yêu trái luân thường đạo lý với chàng biên kịch đã có gia đình.
Tuy vậy, sự xuất hiện của Sim Deok không hoàn toàn đáng trách mà ngược lại còn khiến người xem cảm thương cho số phận ngang trái và tình yêu nở muộn của cặp đôi Kim Woo Jin và Yoon Sim Deok.
Vì không muốn sống trái với lòng mình, cặp đôi đã chọn cách “yên nghỉ” cùng nhau trên chuyến tàu từ Nhật Bản về Joseon sau khi đã thu xếp ổn định cho gia đình hai bên.
Những giây phút cuối cùng của bộ phim, dù cận kề cái chết nhưng đúng với tinh thần bi tráng của cái tên Thánh ca tử thần, họ dành hết những điều tốt đẹp nhất cho đối phương và coi sự ra đi lần này là một khởi đầu mới chứ không phải kết thúc đầy đau thương.
Thánh ca tử thần khép lại với cảnh hai đôi giày vô chủ trên boong tàu trùng với những thước phim đầu tiên. Cùng một cảnh phim nhưng lần này không phải cảm giác rợn người như trước mà gợi cho khán giả những cảm xúc hỗn tạp khó diễn tả.
Đó là cảm giác tiếc nuối nhưng cũng mừng vui khi một mối tình trái ngang đã được sống trọn vẹn bên nhau ở một thế giới khác nơi không có chiến loạn và đau thương.
Thánh ca tử thần khai thác rất chi tiết và kĩ lưỡng câu chuyện lịch sử có thật mà không biến tấu quá nhiều, hầu như tính cách nhân vật đều được dựng lại sát với hình tượng nguyên bản là ca sĩ soprano Yoon Sim Deok và nhà viết kịch Kim Woo Jin của những năm 1920.
Tác phẩm hàm chứa nhiều thông điệp sâu sắc
Tình yêu trong Thánh ca tử thần mang nhiều giá trị nhân văn, tình cảm của cặp đôi nam nữ chính xuất phát từ tình yêu nước và họ đến với nhau bởi có chung lý tưởng, lòng cảm phục cũng như hiểu nhau như tri kỉ.
Tình cảm đó vô cùng thuần túy và đáng trân trọng nhưng bị cách trở bởi sự áp đặt “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trong xã hội cũ, đó là một điều đáng lên án vì đã khiến con người mất đi quyền yêu và được yêu chân chính.
Không chỉ lôi cuốn người xem bởi câu chuyện tình yêu bi thương mà Thánh ca tử thần còn là tác phẩm mang nhiều ý nghĩa sâu xa mang lại cho khán giả những suy nghĩ đa chiều về mối tương quan giữa số phận chung và cuộc đời riêng trong chiến tranh.
Thánh ca tử thần đã xây dựng thành công hình tượng Kim Woo Jin và Yoon Sim Deok là đại diện cho những người trẻ tuổi yêu nước lúc bấy giờ.
Đó là lòng căm thù, đau đáu trước cảnh nước nhà bị cầm tù và thông qua nghệ thuật để truyền bá tư tưởng, cảnh tỉnh nhân dân và cổ vũ họ đứng lên đòi quyền tự do, dân chủ.
Bộ phim là một tác phẩm mang tính giáo dục bởi đoàn phim đã đan cài khéo léo những sự kiện lịch sự có thật.
Tiếp cận khán giả bằng nghệ thuật giải trí giúp người xem có thêm hiểu biết về quá khứ nước nhà từ đó nuôi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi người con xứ sở Kim Chi.
Thánh ca tử thần lên án những kẻ phản quốc vì lợi ích riêng của bản thân, điều này được thể hiện khéo léo qua màn đáp trả của Yoon Sim Deok với một tên bán nước theo Nhật.
“Nghe nói cô từng đi du học ở Nhật, vậy cô đã quên cách nói thứ tiếng đó rồi sao?”
Yoon Sim Deok với lời đáp trả đanh thép đã khiến tên phản quốc lặng người:
“Tôi cũng nghe nói ông xuất thân từ đất nước Joseon”
Không chỉ vậy, bộ phim còn tố cáo sự nguy hiểm của những tin đồn truyền miệng, chúng đã đẩy rất nhiều người vào cảnh khốn cùng.
Yoon Sim Deok là một nạn nhân tiêu biểu bởi cô đã mất sự nghiệp, lòng tin của khán giả và người thân khiến cô gần như sụp đổ hoàn toàn chỉ vì những lời truyền miệng vô căn cứ.
Chỉ trong ba tập phim ngắn ngủi nhưng Thánh ca tử thần lại mang những ý nghĩa không bao giờ cũ dù là thời chiến hay thời bình, dù là ngày xưa hay ngày nay khiến người xem không khỏi suy ngẫm.
Những chi tiết đắt giá trong The Hymn Of Death
Thánh ca tử thần là một tác phẩm vô cùng tinh tế bởi không chỉ quan tâm đến nội dung, kịch bản hay sự vào vai của các diễn viên mà những tiểu tiết trong phim đều được hoàn thiện tỉ mỉ nhất có thể.
Chính vì thế mà tác phẩm được đánh giá là gần như không có một “hạt sạn” nào trong từng thước phim khiến câu chuyện diễn ra mượt mà, làm hài lòng cả những khán giả khó tính.
Sự đầu tư trong từng câu chữ của The Hymn Of Death
Bộ phim không chỉ khai thác về đề tài tình yêu mà hơn hết, cốt truyện xoáy sâu vào cái tôi nghệ thuật của mỗi nhân vật trong tác phẩm vì thế, Thánh ca tử thần cũng mang những lời thoại bay bổng và những trích dẫn thơ văn đầy ám ảnh.
Ngay từ lần đầu tiên gặp nhau, câu chuyện của Kim Woo Jin và Yoon Sim Deok đã gắn liền với lời thơ của Arishima Takeo.
“Hãy cẩn thận, cách tình yêu lấy mất từ trong em
Thời điểm em xem thường tình yêu chỉ là một nguồn sức mạnh dịu dàng, thì em đã phạm sai lầm
Tình yêu là thứ em tận dụng tất cả
Tình yêu chính là rộng lòng lấy mất.”
Thánh ca tử thần đều có một trích dẫn ở cuối mỗi tập phim, đó đều là những câu thơ được sáng tác bởi chính nhà soạn nhạc Kim Woo Jin những năm 20 của thế kỉ 20.
Tiêu biểu là câu thơ ma mị và đầy ám ảnh ở cuối tập phim đầu tiên được trích từ cuốn nhật kí mang tên Vết tích tâm hồn viết năm 1921.
“Tôi nghe rõ âm thanh vận mệnh của chính cuộc đời mình
Trong bủa bây tù túng cô ấy đã đến an ủi tâm hồn tôi.”
Ngoài ra, lời thoại của phim cũng rất được lòng khán giả với những câu từ đậm chất thơ văn, toát lên khí chất của chàng trai trí thức thời loạn lạc, thể hiện tình yêu và khát khao muốn được là chính mình ngay cả khi cuộc sống đó phải đánh đổi bằng cả sinh mệnh.
“Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời anh muốn sống là chính mình dù cuộc sống đó đồng nghĩa với cái chết. Và em cũng có thể yên nghỉ, bên cạnh anh.”
Tình yêu nồng cháy của Kim Woo Jin dành cho Yoon Sim Deok còn được thốt lên trong những lời thoại ở cuối phim.
“Cho đến khoảnh khắc cận kề cái chết, anh vẫn sẽ chờ đợi em
Trong trái tim anh, em đã đốt cháy ngọn lửa tình yêu không thể dập tắt được, Sim Deok.”
Lời thoại và những trích dẫn trong Thánh ca tử thần đã đưa người xem trở về không khí ảm đạm những năm 20 của thế kỉ trước, trong những câu từ đó toát lên hàng vạn ước mơ cháy bỏng đã bị vùi dập đau đớn trong thời thế loạn lạc.
Những ca khúc tạo điểm nhấn trong bộ phim
Tác phẩm có sự xuất hiện của Hymn of death, đây là ca khúc cuối cùng của Yoon Sim Deok được hát vào năm 1926. Đúng như cái tên, đây là một bài nhạc có giai điệu ám ảnh và lời ca đầy đau thương:
“Trong thế giới cô đơn này, đầy khổ đau và tàn nhẫn
Anh đang tìm kiếm điều gì?
Những bông hoa đang cười và những chú chim đang khóc
Tất cả đều chung một số phận, một cuộc đời oan nghiệt.”
Một ca khúc khác được thể hiện bởi giọng ca Sohyang mang tên Only my heart know, đây là một bản nhạc với ca từ sâu lắng, nhẹ nhàng và thể hiện sự bất lực của nàng ca sĩ soprano Sim Deok trước tình yêu ngang trái của mình.
“Tình cảm càng đậm sâu thì em lại càng đau khổ
Vì em đã lỡ yêu một người không nên yêu”
Thánh ca tử thần còn có hai bản nhạc phim làm rung động biết bao trái tim khán giả yêu phim đó là Falling in love được thể hiện bởi Hynn và Stay with me được cất lời bởi ca sĩ Song Haye.
Cả hai ca khúc đều là những giai điệu và ca từ da diết, thể hiện khao khát yêu và được yêu của Yoon Sim Deok dù tình cảm đó luôn có số phận bi thảm.
The Hymn Of Death gây ấn tượng với trang phục và màu sắc trong phim
Tác phẩm lấy bối cảnh Hàn Quốc thời Joseon những năm 1920, thời điểm dân tộc này đang bị đô hộ bởi chính quyền phát xít Nhật Bản và từ đó cũng dẫn đến sự giao thoa giữa các nền văn hóa.
Phần trang phục trong phim cũng vì thế mà được chú trọng hơn rất nhiều, Yoon Sim Deok là một du học sinh trẻ tuổi nên trang phục có phần cách tân với áo sơ mi và chân váy dài, vừa hiện đại vừa giữ được dáng điệu mềm mại của người phụ nữ Joseon.
Những người phụ nữ nơi quê nhà tiêu biểu như vợ của Kim Woo Jin hay mẹ của Yoon Sim Deok vẫn mặc thường phục là những bộ Hanbok truyền thống của phái nữ thời kì phong kiến.
Trang phục cho phái mạnh trong Thánh ca tử thần cũng được giới mộ điệu dành nhiều lời khen bởi những bộ vest lịch lãm, toát lên sự hiện đại mới mẻ đồng thời cũng gây ấn tượng bởi trầm ổn của người đàn ông trưởng thành.
Không chỉ phục trang mà màu sắc trong Thánh ca tử thần cũng hết sức tinh tế và nên thơ, chủ yếu tác phẩm sử dụng những màu nóng như hồng, đỏ, cam, vàng để tạo cảm giác gần gũi, ấm áp cho người xem.
Đan xen với các tông màu ấm là một vài thước phim khi Kim Woo Jin đứng một mình cô độc, màu sắc lúc đó lại pha trộn giữa những màu lạnh như xanh da trời, xanh lá, trắng gợi nên tâm trạng ảm đạm cùng bất lực của nhân vật Kim Woo Jin.
Dàn diễn viên là nơi gửi gắm linh hồn của bộ phim
Ngoài những yếu tố như kịch bản hấp dẫn, sự đầu tư về phục trang và bối cảnh thì việc xây dựng những nhân vật trong Thánh ca tử thần cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên thành công của tác phẩm.
Thánh ca tử thần là một bộ phim có tuyến nhân vật đặc biệt bởi họ đều là những cái tên có thật trong lịch sử, vì thế đoàn làm phim đã rất khắt khe trong khâu tuyển chọn gương mặt phù hợp cho bộ phim.
The Hymn Of Death đánh dấu sự trở lại của Shin Hye Sun và Lee Jong Suk
Shin Hye Sun là nữ diễn viên thực lực của Hàn Quốc, tên tuổi của cô gắn liền với thành công của nhiều bộ phim nổi tiếng như Cuộc sống thượng lưu, Xứ mệnh cuối cùng của thiên thần và Chàng hậu.
Vào năm 2018 sau thành công của vai diễn Woo Seo Ri trong Vẫn mãi tuổi 17, Shin Hye Sun tiếp tục chứng tỏ thực lực khi nhập vai một nhân vật có tính cách khá đối lập mang tên Yoon Sim Deok trong tác phẩm Thánh ca tử thần.
Shin Hye Sun đã thể hiện trọn vẹn một Yoon Sim Deok tài năng, lạc quan, mạnh mẽ pha chút kiêu ngạo ở tập đầu tiên của tác phẩm và sang đến hai tập còn lại, nội tâm nhân vật Yoon Sim Deok đã có những sự xáo trộn và thay đổi ngày một rõ rệt.
Từ một cô gái tuổi 25 hồn nhiên, mang trong mình nhiều mộng mơ về tương lai đến người phụ nữ trưởng thành, được mọi người mến mộ bởi tài năng trời phú nhưng áp lực gia đình, tiền bạc và những lời đồn đại tai quái đã sớm khiến tâm hồn Sim Deok dần chai sạn.
Nhà viết kịch Kim Woo Jin được đảm nhiệm bởi nam diễn viên đình đám Lee Jong Suk, anh là diễn viên hạng A đã quen mặt của giới mộ điệu khi làm nên thành công của nhiều bộ phim như Học đường 2013, Pinocchio và Khi nàng say giấc.
Nam tài tử luôn được biết đến nhờ vẻ ngoài điển trai cùng diễn xuất thực lực, luôn thử sức mình với những vai diễn đa dạng và các nhân vật có chiều sâu tâm lý phức tạp.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, Lee Jong Suk đã thành công khi khai thác một cách hoàn hảo nội tâm của nhân vật không chỉ bằng lời thoại mà phần nhiều được thể hiện qua ánh mắt.
Những cảm xúc như vui mừng, đau đớn, thất vọng đều được nam diễn viên gợi tả tinh tế, toát lên khí chất của một vị công tử trang nhã những năm 20 của thế kỉ trước.
Cặp đôi Lee Jong Suk và Shin Hye Sun đã mang đến cho người xem một sự bất ngờ lớn khi không chỉ thể hiện tình cảm với nhau qua lời thoại đầy tình cảm mà phần nhiều được gửi gắm qua ánh mắt.
Sự chú trọng trong việc tương tác bằng ánh mắt có lẽ do bộ phim lấy bối cảnh những năm 1920, giai đoạn giao thoa giữa các thời kì lịch sử mà khi đó tư tưởng phong kiến vẫn còn trong xã hội Hàn Quốc nên việc thể hiện tình cảm nam nữ có phần kín đáo và tế nhị.
Đôi mắt được ví như “cửa sổ tâm hồn” nên việc hiểu được nhau qua “cửa sổ” ấy chứng tỏ rằng họ không chỉ là tình yêu, tình cảm nam nữ đơn thuần mà Woo Jin và Sim Deok đã coi nhau là tri kỉ, người chung chí hướng và động lực giúp họ sống thật với chính mình.
Từ khoảnh khắc lần đầu gặp nhau, chia sẻ những mộng mơ hoài bão về tương lai hay hội ngộ sau nhiều năm xa cách nên một ánh mắt đã đủ truyền tải cả một câu chuyện, những lời chưa nói và nội tâm đối phương.
Không cần dài dòng văn thơ, mỗi phút giây Kim Woo Jin và Yoon Sim Deok nhìn nhau đã đủ làm rung động biết bao con tim và lấy đi nước mắt của nhiều khán giả theo dõi Thánh ca tử thần.
The Hymn Of Death hội tụ dàn diễn viên phụ đắt giá
Góp phần làm nên thành công của Thánh ca tử thần ngoài cặp đôi nam nữ chính Shin Hye Sun và Lee Jong Suk thì còn có sự tham gia của nhiều diễn viên phụ.
Vợ của Kim Woo Jin là Jung Chum Hyo được đảm nhiệm bởi nữ diễn viên Park Sun Im, tuy chưa để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả song với tài năng và vẻ ngoài cuốn hút diễn viên 9x vẫn là cái tên đáng được kì vọng trong tương lai.
Go Bo Gyeol xuất hiện trong Thánh ca tử thần với vai diễn Yoon Sung Duk, em gái Yoon Sim Deok đồng thời là một nghệ sĩ piano.
Tuy có diễn xuất được đánh giá tương đối tốt cùng vẻ ngoài trẻ trung, đáng yêu nhưng Go Bo Gyeol vẫn là cái tên khá xa lạ với giới mộ điệu.
Các tác phẩm gây được tiếng vang lớn nhất của cô phải kể đến như vai diễn Chae Eun trong Biên niên sử Arthdal, bộ phim có sự tham gia của Song Joong Ki cùng Kim Ji Won và Chào mẹ, tạm biệt! với nhân vật Min Jung, “tình địch” của nàng thơ xứ Hàn Kim Tae Hee.
Nam diễn viên Lee Ji Hoon xuất hiện trong Thánh ca tử thần với nhân vật Hong Nan Pa là diễn viên không còn xa lạ nhờ vai diễn trong các bộ phim đình đám như Học đường 2013, Cầu vồng hoàng kim và Huyền thoại biển xanh.
Ngoài ra, bộ phim còn có sự góp mặt của dàn sao kì cựu trong nền công nghiệp giải trí xứ Hàn đó là nam diễn viên Kim Won Hee trong vai Joon Suk Ho, cha của Yoon Sim Deok và mẹ cô là Kim Ssi được đảm nhiệm bởi nữ diễn viên 34 năm tuổi nghề là Hwang Young Hee.
The Hymn Of Death là bộ phim thành công trong lòng công chúng
Thánh ca tử thần là một tác phẩm có chiều sâu kịch bản lẫn tâm lý con người, bộ phim không chỉ tái hiện trọn vẹn mối tình bi đát của nữ ca sĩ Yoon Sim Deok và nhà viết kịch Kim Woo Jin mà còn mở rộng đến cả hoàn cảnh lịch sử và cái tôi cá nhân của các nhân vật.
Đoàn làm phim cũng rất khéo léo trong quá trình lựa chọn diễn viên, có thể nói đây là vai diễn thành công và ghi dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp diễn xuất của Shin Hye Sun và Lee Jong Suk.
Cả hai đã tái hiện gần như hoàn hảo nhân vật có thật trong lịch sử Hàn Quốc bằng thực lực và kinh nghiệm diễn xuất đáng nể của mình từ đó lấy đi nước mắt, sự cảm thương của nhiều trái tim yêu Thánh ca tử thần.
Bộ phim cũng gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả trong và ngoài nước bởi yếu tố lịch sử, góp phần quảng bá hình ảnh nước nhà bằng nghệ thuật giải trí.
Giới mộ điệu dành rất nhiều lời khen cho đoàn làm phim bởi sự tinh tế trong từng chi tiết nhỏ như màu sắc, giai điệu bài hát trong phim và phục trang hoàn mỹ.
Thánh ca tử thần với vai diễn Yoon Sim Deok đã mang về cho Shin Hye Sun một đề cử cho hạng mục nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 2019 của giải thưởng 14th Seoul International Drama Awards, tác phẩm cũng có rating ấn tượng với 8,9% tại khu vực Seoul.
Kim Woo Jin và Yoon Sim Deok là đại diện cho những người trẻ đương thời phải chịu những bó buộc, bất công, hậu quả của việc sắp xếp hôn nhân theo ý cha mẹ khiến họ rơi vào đường cùng và cái chết chính là sự giải thoát duy nhất cho cuộc đời đầy khổ đau.
Tác phẩm The Hymn Of Death chứa nhiều thông điệp sâu sắc về tình yêu đôi lứa, tình yêu tổ quốc và nỗ lực để sống thật với chính mình vì thế, The Hymn Of Deat được đánh giá là bộ phim đáng xem, tuy chưa có nhiều giải thưởng song lại ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng.